Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30/4/1975, cả nước tập trung vào việc tái thiết. Dù còn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng công tác giáo dục đã được chính quyền đặc biệt quan tâm.
Chỉ sau một năm, ngày 03-11-1976 Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Nam - Đà Nẵng chính thức được thành lập theo Quyết định của Bộ Giáo dục - Đào tạo. Trường có hai cơ sở: cơ sở chính ở trường Hồng Đức tọa lạc tại số 17 Thống nhất (41 - Lê Duẩn hiện nay). Cơ sở thứ hai ở trường Ánh Sáng, thuộc xã Hòa Khánh, Huyện Hòa Vang (Nay chính là trường Đại học Sư phạm). Khi mới thành lập, bộ khung của trường chỉ với một đội ngũ gồm 18 thầy cô giáo do thầy Trần Xuân Nhĩ giữ chức Hiệu trưởng. Bắt đầu từ đó nhà trường đã từng bước xây dựng, phát triển để ngày nay trở thành một trong 7 trường Đại học Sư phạm trọng điểm của cả nước với 12 khoa chuyên ngành, gần 400 cán bộ giảng viên và hơn 10.000 ngàn sinh viên đang theo học; trong đó khoa Địa lý với 16 cán bộ giảng viên (01 PGS.TS; 01 TS; 05 NCS, 08 thạc sĩ và 01 CN). Nhận trách nhiệm đào tạo 01 ngành Cử nhân Sư phạm và 02 ngành Cử nhân Khoa học (Địa lý tự nhiên và Địa lý học), với 12 lớp và hơn 600 sinh viên. Để có được những con số ấn tượng này, thầy cô giáo khoa Địa lý đã phải trải qua những chặng đường dài phấn đấu gian khổ, với những dấu mốc không thể nào quên.
* Giai đoạn từ 1976 đến 1982: Bước khởi đầu
Những năm đầu mới thành lập, ngành Địa lý chỉ có 02 thầy cô giáo được xem là người đặt nền móng đầu tiên cho Tổ Địa lý những năm kế tiếp cũng như sự phát triển của Khoa Địa lý hiện nay. Đó là: Thầy Đinh Văn Ngọc (giáo viên của Sở Giáo dục Phú Thọ) và cô Nguyễn Thị Tuyết Nhung (tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội). Trong giai đoạn này, Khoa Sử - Địa - Chính trị - Thể dục được thành lập do cô Nguyễn Thị Hồng Điệp và thầy Đặng Văn Vượng lãnh đạo. Đây là thời kì khó khăn nhất: cán bộ giảng dạy còn ít, chưa có tổ chuyên môn, chương trình đào tạo hệ Cao đẳng sư phạm 2 năm và được ghép 2 chuyên ngành. Mặc dù chỉ có 2 giáo viên nhưng để đáp ứng nhu cầu về giáo viên cho phổ thông, Khoa đã đào tạo các ngành: Địa - Sử hoặc Địa thể dục (khi ra trường có thể vừa dạy chuyên môn sâu Địa lý vừa kiêm nhiệm thêm môn Thể dục hoặc Lịch sử). Các môn học của chuyên ngành Địa lý chủ yếu là Bản đồ học, Địa lý tự nhiên đại cương, Địa lý tự nhiên các châu lục, Địa lý tự nhiên Việt Nam, Cơ sở Địa lý kinh tế, Địa lý kinh tế thế giới, Địa lý kinh tế Việt Nam và Giáo học pháp. Các phương tiện và đồ dùng dạy học rất thiếu thốn, các giờ lên lớp phụ thuộc vào sự trình bày, minh họa của thầy cô giáo và sự ghi chép của sinh viên, hệ thống giáo trình, tài liệu tham khảo rất ít. Tuy vậy tinh thần học tập của sinh viên lại rất cao.
Những năm tiếp theo, trường đã liên tục bổ sung thêm các cán bộ giảng dạy, tuy nhiên việc luân chuyển cán bộ cũng liên tục xảy ra. Năm 1977, ngành Địa lý tiếp nhận thêm cô Nguyễn Thị Chớm, cô Nguyễn Thị Chính và cô Nguyễn Thị Tíu tốt nghiệp từ trường Đại học Sư phạm 1 Hà Nội. Năm 1978 tiếp tục bổ sung thêm cô Nguyễn Thị Mây và cô Nguyễn Thị Ninh, cũng tốt nghiệp từ trường Đại học Sư phạm 1 Hà Nội.
Do luân chuyển cán bộ, đến năm 1979 Thầy Trần Văn Trang làm chủ nhiệm khoa và thầy Đinh Văn Ngọc làm Phó chủ nhiệm khoa. Lúc này Tổ Địa lý đã được hình thành với 7 thành viên. Năm 1980, Khoa tiếp nhận thầy Nguyễn Duy Hòa và thầy Bùi Sĩ Cho tốt nghiệp từ trường Đại học Sư phạm Huế. Cũng trong năm này do yêu cầu công tác, hai cô Nguyễn Thị Ninh và Nguyễn Thị Tuyết Nhung đã chuyển về các trường Trung học phổ thông Hòa Vang. Năm 1981 tổ Địa lý được bổ sung thêm 05 giảng viên trẻ: Cô Hoàng Thị Diệu Huyền, tốt nghiệp từ trường Đại học Sư phạm Huế; Thầy Trương Phước Minh, thầy Nguyễn Văn Nam và cô Lê Thị Ánh Sương tốt nghiệp từ trường Đại học Tổng hợp Huế; Thầy Hồ Phong tốt nghiệp từ trường Đại học Sư phạm 1 Hà Nội. Cũng trong năm này do điều kiện công tác hai cô Nguyễn Thị Chớm, Nguyễn Thị Chính đã chuyển công tác về Hà Nội. Tổng số giảng viên lúc ấy có 9 người, và đã thực sự đảm trách chuyên sâu một số môn học.
Giai đoạn đầu tiên này tuy có rất nhiều khó khăn nhưng là giai đoạn quan trọng, đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của Khoa Địa lý sau này. Khoa Sử - Địa - Chính trị - Thể dục tồn tại đến năm học 1981 - 1982, lúc này cán bộ giảng viên các chuyên ngành đã được bổ sung thêm, đã đủ điều kiện để tách ra và bắt đầu từ năm học 1982 - 1983 trở đi tổ Địa lý lại bước vào một thời kì mới.
* Giai đoạn từ 1982 đến 1990: Xây dựng
Đây là giai đoạn bước vào thời kỳ xây dựng của trường Cao đẳng Sư phạm và là thời kì có những thay đổi về chất: Cán bộ giảng viên được bổ sung thêm về số lượng và được cử đi đào Thạc sĩ và Tiến sĩ. Trang bị về cơ sở vật chất kĩ thuật cho dạy học, cơ cấu tổ chức của trường cũng thay đổi. Khoa Sử - Địa chính thức ra đời vào tháng 9/1982. Thầy Đinh Văn Ngọc là Chủ nhiệm khoa, cô Hồ Thị Hường là Phó chủ nhiệm khoa. Khoa chia làm 2 tổ bộ môn: Tổ Lịch Sử và Tổ Địa lý. Thời kì đầu Tổ Địa lý do thầy Ngọc kiêm nhiệm làm tổ trưởng, tổ Lịch Sử do cô Hồ Thị Hường kiêm nhiệm.
Năm 1982, Thầy Bùi sĩ Cho chuyển công tác và Tổ Địa lý tiếp nhận thêm 05 giảng viên mới: cô Lê Thị Thanh Hương và Lê Thị Hoa tốt nghiệp từ trường Đại học Sư phạm Huế; Thầy Phạm Thành Vinh từ Sở Giáo dục Đà Nẵng; Thầy Nguyễn Hữu Chính tốt nghiệp từ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1; Cô Đậu Thị Hòa từ Trường Đại Học Sư phạm Việt Bắc chuyển về. Cuối năm 1982 thầy Nguyễn Duy Hòa được cử đi học Cao học tại Trường Đại học Sư phạm 1 Hà Nội, tiếp theo là cô Huyền (1984), thầy Phong (1985). Đến năm 1986 Tổ Địa lý đã có 13 cán bộ giảng dạy, trong đó có 4 thạc sĩ. Năm 1983 Thạc sĩ Đậu Thị Hòa được bổ nhiệm làm tổ trưởng Tổ Địa lý.
Chương trình đào tạo 2 môn của Bộ Giáo dục được ban hành: môn 1 chiếm tỉ lệ 70%, môn 2 chiếm tỉ lệ 30%. Khoa Sử - Địa đào tạo 2 chuyên ngành: Sử - Địa và Địa - Sử, mỗi khóa tuyển sinh có 2 lớp. Số lượng giáo viên tăng lên, Tổ bộ môn đi vào hoạt động theo chiều sâu và mỗi giáo viên đã được phân công đảm nhiệm các môn học chuyên sâu.
Lúc này đã có chương trình của Bộ Giáo dục và một số giáo trình do Bộ xuất bản. Việc dạy học đã thuận lợi hơn. Sinh viên đã bắt đầu thực hiện khóa luận tốt nghiệp và nghiên cứu khoa học. Tổ Địa lý đã được trang bị thêm 01 Phòng Thực hành, xây dựng được một Vườn Địa lý với thiết bị khá hiện đại (thời bấy giờ) để thực hành quan trắc khí tượng và thời tiết do UNICEF tài trợ. Sinh viên đã được thực hành tại phòng Thực hành Địa lý và công tác thực tập giáo trình được thực hiện thường xuyên, đạt kết quả rất cao. Nhờ vậy việc đào tạo ngành học Địa lý ngày càng có chất lượng hơn, trong một thời gian ngắn đã đáp ứng nhu cầu giáo dục và cung cấp giáo viên cho tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và một số tỉnh của Tây Nguyên.
Đến năm học 1986 - 1987 do hoàn cảnh gia đình thầy Đinh Văn Ngọc và Cô Lê Thị Hoa, thầy Nguyễn Hữu Chính chuyển công tác về Vĩnh Phú. Cô Hồ Thị Hường làm Chủ nhiệm khoa và thầy Nguyễn Duy Hòa là Phó chủ nhiệm. Tổ Địa lý còn lại 10 cán bộ giảng dạy vẫn do cô Đậu Thị Hòa phụ trách. Từ năm 1989 Thạc sĩ Hoàng Thị Diệu Huyền được cử làm Chủ nhiệm bộ môn Địa lý.
* Giai đoạn từ 1991 đến 1994: Vượt qua khó khăn
Đây là giai đoạn đất nước ta ở những năm đầu của thời kì đổi mới, cả nước có nhiều thay đổi. Ở các trường Đại học và Cao đẳng việc tinh giảm biên chế đã tác động mạnh đến việc sắp xếp lại các đơn vị và đến đời sống của cán bộ giảng viên. Cả Trường thu gọn và sắp xếp lại thành 3 khoa: khoa Tự nhiên, khoa Xã hội và khoa Chính trị. Lúc này Khoa Sử - Địa tách làm 2 bộ phận: Tổ Địa lý nhập vào khoa Tự nhiên, tổ Lịch Sử nhập vào khoa Xã hội.
Cán bộ giảng dạy của tổ Địa lý cũng có những thay đổi đáng kể: thầy Phạm Thành Vinh và cô Lê Thị Ánh Sương xin đi học đại học ngoại ngữ và sau đó chuyển luôn về khoa Ngoại ngữ. Lúc này, trường Cao đẳng Sư phạm không tiếp tục đào tạo ngành Địa - Sử mà chuyển qua đào tạo ngành: Địa - Kĩ thuật nông nghiệp, nhằm đáp ứng nhu cầu giáo viên kĩ thuật nông nghiệp cho phổ thông. Tuy nhiên, Tổ Địa lý cũng chỉ ở khoa Tự nhiên được 2 năm: 1990 - 1992. Sang năm học 1992 - 1993 thì tổ Địa lý lại được nhập vào khoa Xã hội. Tổ Địa lý lại tham gia đào tạo ngành Văn - Địa (giáo sinh ra trường có thể dạy cả Ngữ Văn và Địa lý). Tuy ngành đào tạo có thay đổi, nhưng quy mô đào tạo thì lại hạn chế, giáo viên Địa lý chỉ dạy 30% chương trình đào tạo đã dẫn đến tình trạng thiếu việc làm. Giai đoạn này Tổ Địa lý chỉ còn lại 8 giáo viên, một số chuyển sang dạy Trường Thực hành và đây cũng là giai đoạn mà các Thầy cô quyết tâm đi học để nâng cao trình độ và chuẩn hóa bằng cấp. Đi học Thạc sĩ có cô Hương, cô Mây; Đi học Tiến sĩ có cô Hòa. Đây cũng là một giai đoạn khó khăn và đầy thách thức đối với toàn thể cán bộ giảng viên trong toàn trường.
* Giai đoạn 1995 đến 2004: Phục hồi và ổn định
Năm học 1994 - 1995 chứng kiến sự ra đời của Đại học Đà Nẵng theo Nghị định số 32/CP ngày 04.04.1994 của Chính phủ. Đại học Đà Nẵng thành lập qua sự sát nhập các trường Đại học thành viên: Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Kinh tế, Trường Cao Đẳng Sư phạm, Trường Cao đẳng Công nghệ. Trường Cao đẳng Sư phạm được nâng cấp lên thành trường Đại học Sư phạm. Đây là một sự thay đổi mạnh mẽ cả về chất lượng, đòi hỏi mỗi cán bộ, giáo viên phải tự mình nâng cao về trình độ và nghiệp vụ. Lúc này cơ cấu các Khoa cũng thay đổi. Khoa Sử - Địa lại được thành lập trở lại. Chủ nhiệm khoa là thầy Nguyễn Văn Đoàn (kiêm nhiệm tổ trưởng tổ Lịch Sử) và cô Đậu Thị Hòa là Phó chủ nhiệm khoa (kiêm nhiệm tổ trưởng tổ Địa lý). Tổ Địa lý có 8 giảng viên. Cơ sở vật chất vẫn chưa có gì thay đổi, Khoa vẫn đào tạo Cao đẳng theo 02 ngành đào tạo: Sử - Địa và Địa - Sử.
Giai đoạn này Thầy Minh đi học Tiến sĩ ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (1995). Đến năm 1999 tổ Địa lý tiếp nhận thêm cô Nguyễn Thị Diệu tốt nghiệp từ trường Đại học Tổng hợp Huế. Cũng trong thời gian này Tổ đã dày công chuẩn bị xây dựng chương trình đào tạo Cử nhân Sư phạm và Cử nhân Khoa học Địa lý.
Năm học 2000 - 2001 chương trình đào tạo Cử nhân Sư phạm Địa lý (Đại học) của Tổ Địa lý được Bộ Giáo dục chấp thuận, điều này đánh dấu một mốc quan trọng của chất lượng đào tạo Địa lý. Khóa đào tạo đầu tiên với 50 sinh viên, điểm chuẩn đầu vào tới 27.5 điểm (nhân hệ số môn Địa lý). Cũng trong năm 2000 tổ Địa lý đã được đầu tư một Phòng thực hành với nhiều phương tiện thiết bị hiện đại, được xem là điều kiện thuận lợi lớn cho hoạt động đào tạo. Năm 2003-2004 tổ Địa lý lại tiếp tục được Bộ Giáo dục chuẩn y đào tạo hệ Cử nhân Khoa học Địa lý. Nhân sự của 02 Tổ được củng cố với việc Thầy Trương Phước Minh đã bảo vệ xong Luận án Tiến sĩ và được cử làm Tổ trưởng Tổ Địa lý và Thầy Nguyễn Mạnh Hồng là Tổ trưởng Tổ Lịch Sử. Năm học 2003 - 2004 tổ Địa lý chính thức đón một khóa sinh viên Cử nhân Khoa học Địa lý mới vào và tiễn một khóa sinh viên Cử nhân Sư phạm Địa lý đầu tiên ra trường với một niềm vui to lớn. Nhưng niềm vui lớn nhất là được trông thấy tất cả sinh viên khóa đầu tiên ra trường đều có việc làm, được xã hội đón nhận, điều này làm cho các Thầy cô tổ Địa lý càng thêm vinh dự, tự tin và hạnh phúc.
* Giai đoạn 2005 đến nay: Khoa Địa lý được thành lập và phát triển
Giai đoạn 2005 - 2015 có thể được xem là dấu mốc quan trọng nhất, khoa Địa lý chính thức được tách ra từ khoa Sử - Địa và hoạt động theo đúng nghĩa của một khoa cơ bản. Quyết định số 42/QĐ-TCCB ngày 7/1/2005 của Giám Đốc Đại học Đà Nẵng (GS.TSKH Phan Quang Xưng) đã xác nhận việc thành lập hai Khoa là Khoa Địa lý và Khoa Lịch Sử.
Trong nhiệm kỳ 2005-2009, Ban chủ nhiệm khoa Địa lý gồm có Tiến sĩ Trương Phước Minh - Chủ nhiệm khoa, Thạc sĩ Nguyễn Duy Hòa - Phó chủ nhiệm khoa và là Bí thư chi bộ. Khoa biên chế thành 2 tổ bộ môn: tổ Địa lý tự nhiên do Tiến sĩ Đậu Thị Hòa - tổ trưởng, tổ Địa lý kinh tế do Thạc sĩ Hoàng Thị Diệu Huyền - tổ trưởng. Bộ môn Phương pháp giảng dạy do Ban chủ nhiệm khoa quản lý, điều hành.
Cơ sở vật chất - thiết bị phục vụ dạy và học có một Phòng Thực hành Địa lý cùng các thiết bị được tăng cường qua các năm, có 02 phòng làm việc của Ban Chủ nhiệm Khoa và các Tổ Bộ môn trong tòa nhà A5 mới được xây dựng khang trang.
Thời kỳ đầu đội ngũ cán bộ của Khoa chỉ có 9 cán bộ giảng viên và một Văn phòng là Cô Đinh Trần Mỹ Linh. Từ năm 2007 Khoa giữ lại một số sinh viên giỏi và nhận thêm một số sinh viên tốt nghiệp loại giỏi ở các trường đại học khác về như Thầy Nguyễn Thanh Tưởng, Cô Nguyễn Đặng Thảo Nguyên, Cô Trần Thị Ân, Cô Đoàn Thị Thông, Cô Hoàng Thị Diệu Hương, Thầy Trương Văn Cảnh, Thầy Lê Ngọc Hành, Thầy Nguyễn Văn Thái, đến nay tổng số cán bộ giảng dạy đã tăng lên 14 người.
Chương trình đào tạo thời kỳ đầu theo Quy chế 43 của Bộ Giáo dục - Đào tạo - Đào tạo theo Niên chế, nhưng bắt đầu từ năm 2006, để hội nhập vào với nền giáo dục chung của khu vực và quốc tế thì phương thức đào tạo lại có thay đổi từ đào tạo theo Niên chế sang học chế Tín chỉ. Các cán bộ trong Khoa đã cố gắng tiếp cận và điều chỉnh khung chương trình đào tạo theo học chế tín chỉ, về cơ bản hai bộ khung chương trình đào tạo cho hai chuyên ngành là Cử nhân sư phạm Địa lý và Cử nhân khoa học Địa lý cùng với hệ thống đề cương bài giảng của cán bộ giảng viên đã được biên soạn khá hoàn chỉnh và đã được đưa lên mạng nội bộ của Trường và Khoa làm tài liệu tham khảo cho sinh viên.
Nhiệm kỳ 2009 - 2014 cơ cấu tổ chức của Khoa có thay đổi. Ban chủ nhiệm khoa gồm Thạc sĩ Hoàng Thị Diệu Huyền là chủ nhiệm khoa, Thạc sĩ Nguyễn Văn Nam là Phó chủ nhiệm khoa, Tiến sĩ Đậu Thị Hòa - Bí thư chi bộ. 2 tổ bộ môn: tổ Địa lý tự nhiên do Thạc sĩ Lê Thị Thanh Hương - tổ trưởng, tổ Địa lý kinh tế do Thạc sĩ Hoàng Thị Diệu Huyền - kiêm nhiệm tổ trưởng. Tiến sĩ Trương Phước Minh chuyển lên phụ trách Phòng Khoa học, Sau Đại học và Hợp tác Quốc tế của Trường. Thạc sĩ Nguyễn Thị Mây nghỉ hưu năm 2010, thầy Nguyễn Duy Hòa nghỉ hưu năm 2011, Khoa Địa lý còn lại 12 giảng viên và 1 Văn phòng khoa.
Nhiệm vụ đào tạo của khoa thời kỳ này là tiếp tục điều chỉnh, đổi mới, hoàn thiện khung chương trình theo hướng chuyên sâu, sát với nhu cầu của xã hội nhằm nâng cao chất lượng đào tạo cho cả hai chuyên ngành Cử nhân Sư phạm và Cử nhân Khoa học Địa lý. Khoa đã lần lượt điều chỉnh khung chương trình đào tạo Cử nhân Khoa học theo hướng chuyên ngành (Địa lý Tự nhiên - chuyên ngành Địa lý Tài nguyên Môi trường và Địa lý học-chuyên ngành Địa lý Du lịch) để đáp ứng với nhu cầu xã hội. Khó khăn lớn nhất trong giai đoạn này là sự hụt hẫng đội ngũ cán bộ giảng dạy kế cận thay thế các thầy cô giáo đã đến tuổi nghỉ hưu. Do vậy đây là một thách thức không nhỏ cần phải vượt qua để tồn tại và phát triển.
Nhiệm kỳ 2014-2019 đã chứng kiến nhiều thay đổi. Thầy Trương Phước Minh được nhà trường điều động về đảm nhận chức vụ Trưởng Khoa. Thầy Nguyễn Văn Nam là Phó Trưởng Khoa. Bí thư chi bộ là Thầy Hồ Phong. Chủ tịch công đoàn là Cô Nguyễn Thị Diệu. Khoa đã có đầy đủ cả 03 Tổ chuyên môn: Tổ Địa lý Tự nhiên do cô Nguyễn Thị Diệu làm Tổ trưởng; Tổ Địa lý Kinh tế do Thầy Trương Phước Minh kiêm nhiệm; Tổ Phương pháp do Thầy Hồ Phong làm Tổ trưởng. Khoa tiếp nhận thêm Thầy Nguyễn Văn An đến từ Đại học Mỏ Địa chất Hà Nội. Tổng số sinh viên đã hơn 600 ở cả 03 mã ngành đào tạo. Năm 2014, Cô Lê Thị Thanh Hương và năm 2015, Cô Hoàng Thị Diệu Huyền cũng đã nghỉ hưu theo chế độ.
Giai đoạn này đang chứng kiến sự đổi mới mạnh mẽ về công tác giáo dục trên cả nước qua nội dung Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Các công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, tổ chức quản lý, người dạy, người học, cơ sở vật chất kỹ thuật được rà soát, chỉnh sửa và vận hành theo chuẩn, được đánh giá và kiểm định độc lập một cách chặt chẽ. Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể 2015 đang đặt ra những trách nhiệm lớn lao nhằm thực hiện chương trình, mục tiêu giáo dục phổ thông theo hướng đạt phẩm chất và năng lực cho học sinh. Vì vậy, cùng với nhà Trường, Khoa Địa lý đang tích cực, nổ lực đổi mới chương trình đào tạo Cử nhân Sư phạm Địa lý và Cử nhân Khoa học Địa lý, tăng cường dạy học và nghiên cứu khoa học đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục cả nước cũng như hội nhập giáo dục khu vực và quốc tế.
Ý thức điều này, bên cạnh sự quan tâm động viên của Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Sư phạm và Khoa Địa lý, các giảng viên trẻ đã tự bồi dưỡng, rèn luyện chuyên môn ngoại ngữ và đi học nâng cao trình độ như Cô Trần Thị Ân (NCS. TS tại Đại học Osaka City, Nhật Bản - 2012); Thầy Nguyễn Thanh Tưởng (NCS.TS tại Trung tâm nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội - 2013); Thầy Nguyễn Văn Thái (NCS.TS tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - 2014); Thầy Trương Văn Cảnh (NCS.TS Đại học Warszawa, Ba Lan -2015); Cô Hoàng Thị Diệu Hương (NCS.TS tại Trường Đại học Kazan, Liên Bang Nga - 2015), và sắp đến sẽ có nhiều giảng viên trẻ tiếp tục đi học NCS.TS. Vấn đề này đặt ra mục tiêu và nhiệm vụ của Khoa Địa lý là vừa đảm bảo công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, vừa làm thay việc cho các Thầy Cô đi học để đạt được 50% giảng viên có trình độ tiến sĩ vào năm 2019.
Nhìn lại một chặng đường dài trong 40 năm qua, Khoa Địa lý đã có biết bao thay đổi nhưng luôn giữ sự ổn định và phát triển. Khoa Địa lý tự hào đã đào tạo được hàng ngàn thầy cô giáo có trình độ Cao đẳng, Đại học; đào tạo hàng ngàn cán bộ làm công tác chuyên môn và khoa học ở các Sở, Ban, Ngành trên địa bàn miền Trung, Tây Nguyên và cả nước đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho xã hội và đất nước.
Nhiều thế hệ sinh viên, từ Cao đẳng sư phạm (1975) cho đến Cử nhân sư phạm Địa lý và Cử nhân Khoa học Địa lý ngày nay (2015) đã có đầy đủ năng lực và phẩm chất phục vụ xã hội; ngoài việc giảng dạy ở các Trường Phổ thông, sinh viên ngành Địa lý còn có khả năng tham gia các lĩnh vực khác như Kinh tế, Du lịch, Dân số, Môi trường, Tài nguyên, Khí tượng, Thủy văn... Đến nay nhiều cựu sinh viên đã trưởng thành trong công tác, giữ nhiều chức vụ cao của chính quyền và đơn vị, đạt được những danh hiệu cao quý.
Bên cạnh đào tạo, cán bộ giảng viên của Khoa đã trực tiếp tham gia các hoạt động khoa học thuộc các lĩnh vực: khoa học cơ bản, khoa học giáo dục và ứng dụng khoa học vào thực tiễn cuộc sống nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Khoa Địa lý là đơn vị có nhiều bài báo nghiên cứu khoa học của Trường, Đại học Đà Nẵng và quốc tế. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học trong nước và hợp tác quốc tế có ý nghĩa và đạt kết quả tốt, đã tham gia tổ chức nhiều hội thảo trong và ngoài nước và đạt kết quả cao. Có quan hệ học thuật rộng khắp với các Khoa Địa lý trong cả nước và quốc tế.
Hiện nay, các giảng viên chủ động đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy năng lực, sáng tạo của sinh viên. Phát huy tự học theo yêu cầu tín chỉ đối với sinh viên, giúp sinh viên chiếm lĩnh tri thức. Sinh viên khoa Địa lý luôn thể hiện sự năng động không chỉ trong học tập mà cả trong các hoạt động phong trào, sự kiện (Ngày Trái Đất, ngày Môi trường, Câu lạc bộ Địa lý, Hành trình Địa lý, Hội trại truyền thống, Sinh viên thử sức nghề Hướng dẫn viên du lịch của Thành phố Đà Nẵng, hoạt động tình nguyện, mùa hè xanh, hiến máu nhân đạo, các hoạt động văn thể mỹ khác...) thể hiện bản lĩnh người thanh niên thời đại mới, góp phần đưa Liên chi đoàn khoa Địa lý là một trong những Liên chi đoàn mạnh của nhà trường.
Những thành tích trên đây đã được lãnh đạo các cấp ghi nhận cho sự nỗ lực đóng góp của thầy và trò Khoa Địa lý qua nhiều Giấy khen cho Tập thể và cá nhân xuất sắc. Nhiều giảng viên được tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục; nhiều giảng viên được công nhận là Chiến sĩ thi đua cấp Bộ, Giáo viên giỏi cấp Đại học Đà Nẵng, cán bộ công đoàn được khen toàn diện và phong trào, Liên chi đoàn có thành tích xuất sắc... Những thành tích trên là những nguồn động viên to lớn cho cán bộ giảng viên của Khoa để luôn nỗ lực hoàn thành sứ mạng trồng người.
Trong thời gian đến, Khoa Địa lý phấn đấu:
- Xây dựng lực lượng các thầy cô giáo vũng về đạo đức chính trị, giỏi về chuyên môn học thuật để đạt 50% giảng viên là Tiến sĩ vào năm 2019.
- Tích cực tham gia thục hiện nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
- Không ngừng đổi mới chương trình đào tạo và tăng cường chất lượng dạy học. Để các sinh viên tốt nghiệp ra trường đều có việc làm đúng ngành nghề. Đáp ứng yêu của nhà tuyển dụng và xã hội.
- Có nhiều công trình nghiên cứu khoa học, bài báo khoa học, nhiều giáo trình chuyên môn xuất bản. Tham gia các hội thảo chuyên ngành để quảng bá hình ảnh Khoa Địa lý với khu vực và quốc tế.
- Thầy và trò Khoa Địa lý tích cực tham gia các hoạt động phong trào, sự kiện (Ngày Trái Đất, ngày Môi trường, Câu lạc bộ Địa lý, Hành trình Địa lý, Hội trại truyền thống, Sinh viên thử sức nghề Hướng dẫn viên du lịch của Thành phố Đà Nẵng, hoạt động tình nguyện, mùa hè xanh, hiến máu nhân đạo), các hoạt động văn thể mỹ khác.
Nhìn lại chặng đường dài 40 năm qua, tập thể cán bộ giảng viện Khoa Địa lý cảm thấy tự hào với những thành quả đạt được, trong đó có sự đóng góp âm thầm nhưng to lớn của biết bao thế hệ Thầy và Trò. Chúng tôi chân thành tri ơn sâu sắc đến các Thầy Cô và các bạn Sinh viên và hứa sẽ luôn là một tập thể đoàn kết vững mạnh, tiếp tục phấn đấu để có những cống hiến to lớn hơn nữa trong chặng đường phía trước.