Hội thảo khoa học Khoa Địa lí lần thứ XIII

Chủ nhật - 18/06/2023 03:20
Ngày 17/6/2023, tại Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng, Khoa Địa lí đã  tổ chức Hội thảo khoa học Khoa Địa lí lần thứ XIII với chủ đề “Nghiên cứu và giảng dạy địa lí đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông mới”.
Mục đích chính của hội thảo nhằm  tạo diễn đàn khoa học để chia sẻ, giao lưu, trao đổi học thuật, kinh nghiệm nghiên cứu; công bố kết quả nghiên cứu của giảng viên, giáo viên, các nhà khoa học, nhà quản lý trong các lĩnh vực đào tạo, giảng dạy Địa lí, khoa học chuyên ngành có hỗ trợ cho việc giảng dạy và học tập địa lí ở các cấp học và trình độ đào tạo. Thông qua đó giúp giáo viên, giảng viên tiếp tục có những định hướng cơ bản trong việc đổi mới các yếu tố của quá trình dạy học theo hướng phát triển năng lực người học, đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018, yêu cầu về đào tạo giáo viên theo chuẩn năng lực nghề nghiệp và yêu cầu của xã hội trong bối cảnh mới.

Tham dự Hội thảo có giáo viên các trường phổ thông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, học viên cao học, giảng viên Khoa Địa lí cùng sinh viên ngành sư phạm Địa lí.
1
Toàn cảnh khai mạc Hội thảo
 
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Thanh Tưởng - Trưởng khoa Địa lí  đã nhấn mạnh vai trò và tầm quan trọng của việc đổi mới việc dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
2
TS Nguyễn Thanh Tưởng - Trưởng khoa Địa lí phát biểu khai mạc Hội thảo
 
Theo đó, chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh; tạo môi trường học tập và rèn luyện giúp học sinh phát triển hài hoà về thể chất và tinh thần, trở thành người học tích cực, tự tin, biết vận dụng các phương pháp học tập tích cực để hoàn chỉnh các tri thức và kĩ năng nền tảng, có ý thức lựa chọn nghề nghiệp và học tập suốt đời; có những phẩm chất tốt đẹp và năng lực cần thiết để trở thành người công dân có trách nhiệm, người lao động có văn hoá, cần cù, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển của cá nhân và yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước trong thời đại toàn cầu hoá và cách mạng công nghiệp mới. Trong đó, môn Địa lí cũng có nhiều cách tiếp cận mới nhằm phát huy hơn nữa khả năng và phẩm chất của người học. Qua trao đổi, TS Nguyễn Thanh Tưởng hy vọng, thông qua Hội thảo, các giáo viên, giảng viên,  nhà khoa học, các nhà quản lý sẽ có những trao đổi, góp ý quan trọng, từ đó có các chính sách phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả việc dạy và học môn Địa lí, đáp ứng tốt hơn nữa khung chương trình giáo dục phổ thông mới.

Tại Hội thảo, các báo cáo tham luận đã nêu các vấn đề về liên quan đến việc đề xuất các phương thức giảng dạy hiện đại cũng như vận dụng các thành tựu của công nghệ số trong việc giảng dạy địa lí tại các trường phổ thông. Th.S.Đinh Thị Ngọc Gái - Trường THPT Phan Châu Trinh, Đà Nẵng với tham luận “ỨNG DỤNG BẢN ĐỒ SỐ TRONG ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP DẠY VÀ HỌC MÔN ĐỊA LÍ  LỚP 10 CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG 2018” đã trình bày các thành tựu của việc vận dụng hệ thống bản đồ số trong việc giải quyết các vấn đề trong chương trình Địa lí lớp 10, qua đó nhận thấy những ưu thế của công cụ này trong việc phát triển phẩm chất năng lực của học sinh. Bên cạnh đó, việc nâng cao năng lực hợp tác cũng là yếu tố quan trọng trong việc dạy và học môn Địa lí nhằm đáp ứng yêu cầu mới. Điều này đã được trình bày tại báo cáo “PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC HỢP TÁC CHO HỌC SINH THÔNG QUA DẠY HỌC DỰ ÁN MÔN ĐỊA LÍ 10 Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG” của thạc sĩ Nguyễn Thị Duy Duyên - Trường THPT Võ Chí Công. Các hướng tiếp cận các công cụ nhằm nâng cao hiệu quả dạy học Địa lí cũng được nhiều khách mời nhấn mạnh, như báo cáo tham luận của cô giáo Nguyễn Thị Mai Anh - Trường THPT Nguyễn Khuyến  về “XÂY DỰNG INFOGRAPHIC SỬ DỤNG TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ TỰ NHIÊN LỚP 12 TRUNG HỌC PHỔ THÔNG”, báo cáo “XÂY DỰNG VÀ KHAI THÁC DỮ LIỆU VỀ THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG TRÊN NỀN TẢNG WEBGIS PHỤC VỤ DẠY HỌC MÔN HỌC GIÁO DỤC ĐỊA PHƯƠNG TRONG CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG MỚI” của thạc sĩ Lê Ngọc Hành - giảng viên Khoa Địa lí. Việc tiếp cận và nâng cao hiệu quả sử dụng tiếng Anh chuyên ngành cho bản thân người dạy và người học cũng cần được chú trọng và nâng cao nhằm đáp ứng tốt hơn kĩ năng này trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập, thông qua báo cáo của sinh viên Nguyễn Thanh Hiếu với chủ đề “XÂY DỰNG WEBSITE PHỤC VỤ HỌC TẬP VÀ NGHIÊN CỨU TIẾNG ANH CHUYÊN NGÀNH SƯ PHẠM ĐỊA LÝ VÀ ĐỊA LÝ DU LỊCH CHO SINH VIÊN KHOA ĐỊA LÝ TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG”. Cùng với các báo cáo này, hội thảo cũng đã nhận được rất nhiều các tham luận và ý kiến đóng góp đa dạng về nhiều thành tựu liên quan đến khoa học Địa lí như các mảng nghiên cứu về đô thị hoá, đánh giá rủi ro ngập lụt, kinh tế du lịch,… Ý kiến chung của các nhà khoa học, giảng viên, giáo viên và các đối tượng tiếp cận khác đều nhấn mạnh vai trò của việc vận dụng các phương tiện công nghệ trong việc giảng dạy và nghiên cứu địa lí, việc xây dựng và phát triển các hình thức tổ chức dạy học tiên tiến và phù hợp với bối cảnh mới. Đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của môn Địa lí trong chương trình phổ thông mới. Trên nền tảng những kiến thức cơ bản và phương pháp giáo dục đề cao hoạt động chủ động, tích cực, sáng tạo của học sinh, Chương trình môn Địa lí giúp học sinh hình thành, phát triển năng lực địa lí - một biểu hiện của năng lực khoa học; đồng thời góp phần cùng các môn học và hoạt động giáo dục khác phát triển ở học sinh các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung đã được hình thành trong giai đoạn giáo dục cơ bản, đặc biệt là tình yêu quê hương, đất nước; thái độ ứng xử đúng đắn với môi trường tự nhiên, xã hội; khả năng định hướng nghề nghiệp; để hình thành nhân cách công dân, sẵn sàng đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
3
Th.S.Đinh Thị Ngọc Gái trình bày tham luận về bản đồ số
2
Ths. Nguyễn Thị Duy Duyên trình bày tham luận về dạy học dự án
4
Học viên cao học Hoàng Thị Mai Anh với tham luận về Infographic
2
SV Nguyễn Thanh Hiếu với tham luận về website phục vụ dạy và học tiếng Anh chuyên ngành
1
ThS. Lê Ngọc Hành với tham luận về ứng dụng Story Map trong giảng dạy địa lí địa phương
3
Toàn cảnh tổng kết hội thảo khoa học Khoa Địa lí lần thứ XIII
 
Phát biểu kết luận tại Hội thảo, TS Nguyễn Thanh Tưởng một lần nữa nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc đổi mới chương trình giáo dục ở môn Địa lí, đồng thời đánh giá cao các đóng góp của các Quý đại biểu, quý Khách mời tham dự. Thông qua Hội thảo, Khoa Địa lí - Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng cũng chia sẻ các kinh nghiệm và thành tựu trong việc đào tạo đội ngũ nhân lực về ngành Sư phạm Địa lí, đồng thời mong muốn được góp phần quan trọng hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy của đội ngũ giáo viên trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Hội thảo đã kết thúc trong sự hân hoan chia sẻ và hy vọng sẽ tiếp tục được đón chào Quý đại biểu trong hội thảo Khoa học tiếp theo.
 
Tin và nguồn: Ban Quản trị website - GEO


 

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây