ĐỊA LÍ TRONG TÔI - Cảm nhận của em Nguyễn Thị Linh, Cựu SV lớp 15SDL – Khoa Địa Lí – ĐHSP – ĐHĐN

Chủ nhật - 19/04/2020 05:17
Cho đến bây giờ tôi nhận thấy rằng: thứ quan trọng nhất mình học được ở trường Đại học không phải là kiến thức. Mà đó chính là phương pháp làm việc, cách thức tự học, phát triển kĩ năng cứng và kĩ năng mềm, hoàn thiện bản thân. Chính những điều đó mới thực sự giúp ích và cần thiết trong bất kể mọi công việc sau này của tôi. (Nguyễn Thị Linh – Cựu SV lớp 15SDL Khoa Địa Lí – ĐHSP – ĐHĐN).
Nguyễn Thị Linh – Cựu SV lớp 15SDL Khoa Địa Lí – ĐHSP – ĐHĐN
Nguyễn Thị Linh – Cựu SV lớp 15SDL Khoa Địa Lí – ĐHSP – ĐHĐN

Địa lí” 2 từ đơn giản nhưng thật đặc biệt. Đặc biệt vì nó ẩn chứa một tình yêu lớn lao. Đó là yêu sự khám phá, yêu sự mới mẻ của cuộc sống xung quanh: từ vũ trụ, tự nhiên cho đến kinh tế xã hội. Điều đó chẳng có môn học nào sánh lại được. Tình yêu đó còn là yêu trẻ, yêu cả nụ cười, ánh mắt, cả những vẻ mặt ngây ngô, hồn nhiên, ngơ ngác khi không hiểu bài rồi lại sáng lên khi mới phát hiện thêm một kiến thức mới của tụi nhỏ. Và một cái cơ duyên dẫn tôi đến với cái nghề giáo viên Địa lí này chính là xuất phát từ tình yêu đối với cô giáo Địa lí của mình. Yêu cô, tôi yêu cả môn cô dạy và rồi cũng nối bước theo nghề cô, thay cô thực hiện tất cả tình yêu này.

Như một điều tất nhiên, tôi lần lượt chinh phục kiến thức Địa lí từ cấp 2 lên cấp 3 rồi vào Đại học. Tôi chọn ngành Sư phạm Địa lí vì đây là mơ ước của tôi từ bé. Nhưng học ở đâu lại không phải là sự lựa chọn dễ dàng. Sau bao ngày đắn đo suy nghĩ, tìm tìm, search search như bao bạn khác thì ngôi trường mà tôi chọn chính là Khoa Địa lí - trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng – một ngôi trường nằm ở vùng đất khá xa lạ với một cô bé học sinh lớn lên ở một vùng quê xứ Thanh vào năm 2015. Sở dĩ như vậy cũng bởi sức nặng trong lời tư vấn của cô tôi. Cô nói “Đà Nẵng là vùng đất đáng sống, là nơi trưng dụng người tài, đồng thời trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng cũng đang được đầu tư mạnh, Khoa Địa lí cũng nhiều thầy cô giỏi và có sự phát triển nhanh. Hẳn đây sẽ là nơi chắp cánh cho em phát triển, chỉ cần em luôn cố gắng phấn đấu và thật sự giỏi giang” _ cô Lê Phương Thúy – GV Địa lí cấp 2 của tôi. Chẳng một chút do dự tôi mang niềm tin ấy đăng kí vào trường.
1. 
Tôi đã học và rèn luyện được gì trong những năm là sinh viên tại Khoa Địa Lí?
Tiểu thuyết gia Louisa May Alcott đã nói rằng: Tất cả chúng ta đều có cuộc đời riêng để theo đuổi, giấc mơ riêng để dệt nên, và tất cả chúng ta đều có sức mạnh để biến mơ ước trở thành hiện thực, miễn là chúng ta giữ vững niềm tin.
Và tôi luôn giữ vững niềm tin ban đầu. Đó là: chỉ cần mình thực sự giỏi cả chuyên môn lẫn kĩ năng mềm thì nhất định mình sẽ thành công. Và ngay từ những ngày đầu đại học tôi đã đặt ra một mục tiêu cho mình: học thật giỏi, rèn luyện thật tốt, tốt nghiệp thủ khoa và xây dựng sự nghiệp ở vùng đất này. Từ đó mọi thứ đối với tôi từ học tập đến rèn luyện như được lập trình tư duy sẵn, cứ thế mà phấn đấu hết mình thôi, chẳng phải nghĩ ngợi gì.
Và đúng như luật hấp dẫn “khi bạn thực sự muốn thì cả vũ trụ sẽ hợp sức để giúp đỡ bạn”, ba năm rưỡi thấm thoát trôi qua, rồi cũng đến ngày tôi cầm tấm bằng tốt nghiệp trên tay. Những mục tiêu ban đầu của tôi dường như đã thành hiện thực: tốt nghiệp thủ khoa đầu ra của toàn trường, đứng vào hàng ngũ của Đảng và trở thành một giáo viên Địa lí – yêu nghề – yêu trẻ tại một ngôi trường tư thục lớn của cả nước là Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và THPT FPT Đà Nẵng ngay khi vừa mới ra trường.
Cho đến bây giờ tôi nhận thấy rằng: thứ quan trọng nhất mình học được ở trường Đại học không phải là kiến thức. Mà đó chính là phương pháp làm việc, cách thức tự học, phát triển kĩ năng cứng và kĩ năng mềm, hoàn thiện bản thân. Chính những điều đó mới thực sự giúp ích và cần thiết trong bất kể mọi công việc sau này của tôi.
2. Làm thế nào để học được những điều đó?
Chính là nhờ những tháng ngày miệt mài học tập và rèn luyện dưới mái nhà khoa Địa lí – Trường ĐHSP – ĐHĐN. Với sự dìu dắt, chỉ bảo tận tình của các thầy cô trong khoa. Một đội ngũ giảng viên không những giỏi về chuyên môn mà còn vững vàng về nghiệp vụ, có kinh nghiệm thực tế, luôn tận tâm với sinh viên và nền giáo dục nước nhà.Các thầy cô đều là các Phó giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ, ở trong và ngoài nước.
Bằng những phương pháp dạy học tích cực với những chuyên đề, dự án, những cuộc thi chuyên môn “nghiệp vụ sư phạm”, “nghiên cứu khoa học”, khóa luận tốt nghiệp,… Mà tôi và các bạn sinh viên khác được thỏa sức tìm tòi, khám phá, nghiên cứu giải quyết vấn đề.
Với châm ngôn dạy học gắn liền với thực tiễn. Khoa và nhà trường đã có chiến lược cho SV đi thực tập ngay từ năm ba và sẽ kết thúc chương trình học trong vòng ba năm rưỡi. Điều này rất có ý nghĩa đối với chúng tôi. Học gắn liền với thực hành. Rồi từ quá trình thực hành sẽ rút ra bài học và lại tiếp tục học. Như vậy sẽ càng vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ hơn. Đồng thời ra trường trước nửa năm cũng là một lợi thế rất lớn để có nhiều hơn cơ hội việc làm.
Học kiến thức thôi thì chưa đủ. Ở môi trường này tôi còn được thỏa sức khám phá và thể hiện những khả năng mới của mình qua hàng tá các cuộc thi của Đoàn trường và của liên chi: Cuộc thi tìm kiếm tài năng, thi hùng biện, thi an toàn giao thông, thi hành trình Địa lí hay các chương trình âm nhạc như chào đón tân sinh viên, 20/11, các ngày hội văn hóa dân gian, trại hè, thể thao... Rồi đến các hoạt động của câu lạc bộ Địa Lí – Môi trường như giao lưu mỗi tối thứ 6 để phát triển kĩ năng mềm, các hoạt động về môi trường hay những chuyến đi từ thiện … bla …bla… Có quá nhiều thứ mà tôi có hội tham gia và cũng đã tham gia để phát triển các kĩ năng mềm như sự tự tin trước đám đông, sự sáng tạo, sự nhạy bén, sự linh hoạt trong ngôn ngữ,tạo nên một Linh khá đa tài: khả năng làm MC, múa hát, thể thao…. Và cả một tấm lòng yêu thiên nhiên, yêu con người.
Chuyến thực tế phía Nam của lớp 15SDL năm 2018. Ảnh: Tác giả
Chuyến thực tế phía Nam của lớp 15SDL năm 2018. Ảnh: Tác giả
Chưa hết đâu nhé, học ở trường, ở khoa tôi còn có cơ hội tham gia các chương trình liên kết với các trung tâm, tổ chức ở trong và ngoài nước về lĩnh vực môi trường và giáo dục. Như tham gia khóa tập huấn bảo tồn thú linh trưởng ở Việt Nam là chương trình liên kết giữa khoa Sinh Môi Trường – ĐHSP ĐN với Hội Động vật học Frankfurt – CHLB Đức và Trung tâm đa dạng sinh học nước Việt xanh (Greenviet) ở Gia Lai. Hay khóa đào tạo ngắn hạn tại Thành phố Nam Ninh - Trung Quốc,nằm trong chuỗi liên kết trao đổi sinh viên quốc tế của trường.
Và nói gần nói xa, không thể không nhắc đến chuyến đi học quân sự và 2 chuyến đi thực địa ở các tỉnh phía Bắc và phía Nam Việt Nam. Đó là 2 chuyến đi thật nhiều kỉ niệm và cảm xúc, để khám phá những điều tuyệt vời về tự nhiên và con người của đất nước Việt Nam cong cong hình chữ S này.
Kết thúc chương trình đào tạo ba năm rưỡi mà tôi phải WOA WOA lên vì những điều vô cùng tuyệt vời mà mình đã được học và học được.
Qua đó tôi đã dần hình thành được những kĩ năng quan trọng như:
- Thứ nhất: nhóm kỹ năng tư duy sáng tạo như: tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng ra quyết định, và khả năng tự học suốt đời.
- Thứ hai là nhóm kỹ năng làm việc như khả năng giao tiếp và hợp tác làm việc theo nhóm.
 - Thứ ba là nhóm kỹ năng sử dụng các công cụ làm việc như sự hiểu biết các kiến thức chung về công nghệ thông tin và truyền thông (ICT).
- Cuối cùng là kỹ năng sống trong xã hội toàn cầu, bao gồm vấn đề ý thức công dân, cuộc sống và sự nghiệp, trách nhiệm cá nhân và xã hội, bao gồm cả vấn đề hiểu biết tính đa dạng văn hóa.
Đó đều là những kĩ năng mà bất cứ sinh viên thế kỉ XXI nào cũng cần trang bị.
Cuối cùng một điều không thể thiếu khi nói đến Khoa Địa lí chính là sự tận tâm của các thầy cô. Khi học nghiêm túc là vậy, nhưng sau giờ học thì thầy cô cứ như người cha người mẹ của mình. Luôn sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ vui buồn với học trò, và có thể tổ chức nấu nướng ăn uống tại nhà thầy cô…Nhờ sự tận tâm, nhiệt tình của thầy cô mà những sinh viên xa nhà như tôi cảm thấy thật ấm lòng.
3. Những thành công hiện tại
Cứ như vậy 3 năm rưỡi trôi qua đối với tôi thật ý nghĩa. Tôi trân trọng từng giây từng phút ở nơi đây. Tôi thầm cảm ơn những người bạn 15SDL, những người bạn kí túc xá đã cùng tôi bước đi trong suốt hành trình này. Cảm ơn các thầy cô khoa Địa Lí – những người lái đò thầm lặng đã đưa tôi cập bến bờ tri thức. Và đặc biệt cảm ơn cô giáo cấp 3 của tôi Lê Phương Thúy – người gieo niềm tin trong tôi, và định hướng cho tôi học tập và làm việc tại vùng đất Đà Nẵng đáng sống này. Để hôm nay đây tôi đã bước đầu thực hiện được ước mơ của mình – Trở thành một giáo viên Địa Lí thực thụ.

Được là một sinh viên học tập và trường thành tại ngôi nhà Khoa Địa lí, trường Đại học sư phạm – ĐHĐN là một điều vinh dự, một niềm hạnh phúc và là sự lựa chọn sáng suốt của tôi. Tôi tin chắc rằng đây sẽ là điểm đến tin cậy, là nơi tạo dựng tương lai cho thế hệ trẻ yêu địa lí - những chủ nhân tương lai của đất nước.
Sự học là mãi mãi. Tôi trân quý tất cả những điều đã, đang và sẽ đến trong cuộc đời tôi!
Cảm ơn các bạn đã dõi theo bước đi của tôi, chúc các bạn gặp nhiều may mắn và khoa Địa lí – trường Đại học Sư Phạm – Đại học Đà Nẵng sẽ luôn giang tay chào chào đón bạn!
Đà Nẵng, tháng 04/2020
                                                                                                                                              N.T.Linh

Tổng số điểm của bài viết là: 34 trong 8 đánh giá

Xếp hạng: 4.3 - 8 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây