Gần 500 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, cán bộ, giảng viên các trường đại học, viện và trung tâm nghiên cứu, giáo viên các trường trung học phổ thông trong cả nước và đông đảo các chuyên gia nước ngoài, các cơ sở đào tạo Địa lý các nước tham gia hội nghị.Hội nghị nhằm giới thiệu những thành tựu mới, đề xuất, thảo luận và triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu cho ngành Địa lý trong giai đoạn tới theo hướng chú trọng và đẩy mạnh mối quan hệ liên kết vùng.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, GS.TS Nguyễn Cao Huần – Chủ tịch
Hội Địa lý Việt Nam, cho hay: Điều lệ Hội Địa lý Việt Nam đã xác định rõ: Hội Địa lý Việt Nam có nhiệm vụ làm tư vấn, phản biện và giám định xã hội với Nhà nước, với các bộ, ngành về hoạch định chính sách, chiến lược phát triển, quy hoạch tổng thể và quy hoạch phát triển ngành ở các quy mô lãnh thổ khác nhau, các dự án phát triển cho mục tiêu phát triển bền vững. Đây cũng là chức năng chủ yếu nhất của các hội thành viên thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Hội Địa lý Việt Nam đã phát huy tính liên ngành và chuyên ngành của mình tập hợp những nhà khoa học có trình độ cao và nhiều kinh nghiệm hoặc giới thiệu cho các cơ quan Nhà nước những chuyên gia đầu ngành tham gia làm phản biện, tư vấn cho các chương trình và công trình quan trọng của Nhà nước như:
- Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội các vùng kinh tế Việt Nam, các vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam.
- Quy hoạch các công trình thủy điện lớn, các cảng nước sâu ở Việt Nam.
- Phản biện các Dự án lớn như Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Việt Nam, Quy hoạch tổng thể xây dựng khu công nghệ cao Hòa Lạc, các công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
- Tham gia đóng góp ý kiến về các dự án phòng chống, giảm thiểu thiệt hại, khắc phục sự cố môi trường và thiên tai; ý kiến về môi trường, di dân – tái định cư trong xây dựng các công trình thủy điện lớn như Sơn La, Lai Châu; việc mở đường Hồ Chí Minh qua vườn quốc gia Cúc Phương; nội dung chương trình đào tạo, trang thiết bị dạy học Địa lý ở trường phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Tham gia với tư cách chuyên gia tư vấn cho một số tổ chức quốc tế như Cộng đồng Châu Âu, Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Văn hóa Khoa học Giáo dục Thế giới, Tổ chức Phát triển Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Môi trường Liên Hiệp Quốc, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc...
Ngoài ra, nhiều hội viên cũng hết sức tích cực tham gia công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với các dự án chuyên ngành của các địa phương, các vùng lãnh thổ trên cả nước; đánh giá các luận văn cao học, luận án tiến sĩ phục vụ cho sự nghiệp giáo dục đào tạo các nhà Địa lý tương lai.
Nhìn chung các chuyên gia của Hội Địa lý Việt Nam là những nhà khoa học được đào tạo cơ bản, cập nhật kiến thức hiện đại, có quá trình công tác lâu năm, tích lũy được nhiều kinh nghiệm và có tầm nhìn sâu rộng nên đã có nhiều ý kiến đóng góp rất có giá trị và được tôn trọng.
Hội Địa lý Việt Nam đã huy động được đông đảo các Hội thành viên và các nhà khoa học chủ trì và tham gia nhiều chương trình lớn của Nhà nước như chương trình Khoa học và công nghệ biển, chương trình Bảo vệ môi trường và phòng tránh thiên tai, Chương trình các tỉnh miền Trung, chương trình Tây Nguyên, chương trình Tây Nam Bộ; thực hiện trên 50 đề tài cấp Nhà nước, các đề tài độc lập và Nghị định thư; hàng trăm đề tài cấp bộ, ngành và địa phương. Hoạt động khoa học của Hội đã tập trung vào một số mũi nhọn và thế mạnh của ngành Địa lý như tổ chức lãnh thổ phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội chung cho cả nước và các vùng kinh tế trọng điểm; nghiên cứu những vấn đề về môi trường, phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai; những vấn đề về đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy địa lý trong các bậc đào tạo, các cấp đào tạo trong hệ thống giáo dục nước ta.
Điều cần được khẳng định là bằng chính các công trình nghiên cứu khoa học đã được nghiệm thu, các công trình khoa học đã được công bố trên các xuất bản phẩm quốc tế và trong nước, các công trình được báo cáo và được đăng trên các Kỷ yếu Hội nghị Khoa học Địa lý toàn quốc là những minh chứng, được đánh giá bằng điểm công trình khi bảo vệ các luận văn, luận án; xét công nhận học hàm giáo sư, phó giáo sư; xét phong tặng các danh hiệu và giải thưởng cao quý cấp nhà nước như Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng cấp Nhà nước, Danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú mà hàng chục giáo sư, phó giáo sư và hàng trăm tiến sỹ, hàng nghìn thạc sỹ, cử nhân thành viên của Hội Địa lý Việt Nam đã đạt được tạo cho Hội Địa lý Việt Nam thực sự lớn mạnh và trưởng thành như ngày hôm nay. Bằng những thành tựu khoa học đã đạt được trong suốt 30 năm qua, Hội Địa lý Việt Nam đã có nhiều cống hiến to lớn cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước.
Về hợp tác quốc tế, hiện nay Hội Địa lý Việt Nam là hội viên chính thức của Hội Địa lý Quốc tế (IGU), Hội Địa lý Đông Nam Á (SEAGA); Hội Địa lý Viện Địa lý cũng đã được công nhận là thành viên của Hội sinh thái cảnh quan Quốc tế. Hội Địa lý Việt Nam đã nhiều lần tiếp xúc, trao đổi với các đoàn đại biểu của các Hội Địa lý Pháp, Hội Địa lý Nhật Bản, Hội Địa lý Ucraina và với một số nhà khoa học Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Anh, Bỉ, Canada, Hàn Quốc, Lào, Campuchia...
Đặc biệt trong công tác đối ngoại, Hội Địa lý Việt Nam đã có thư gửi Hội Địa lý Hoa Kỳ yêu cầu rỡ bỏ ghi chú quần đảo Tây Sa thuộc Trung Quốc trên bản đồ thế giới mà thực chất là quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hoặc trước sự việc năm 2014, phía Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Hội Địa lý Việt Nam đã có công văn phản đối và đề nghị các nhà Địa lý trên thế giới ủng hộ Việt Nam. Trước sự phản kháng mạnh mẽ của Việt Nam và sức ép của dư luận quốc tế, Trung Quốc đã phải di dời giàn khoan trên ra khỏi vùng chủ quyền lãnh thổ Việt Nam trên biển."
Trong Hội nghị khoa học lần này, với chủ đề “Khoa học Địa lý Việt Nam với liên kết vùng cho phát triển bền vững”, Ban tổ chức Hội nghị đã nhận được hàng trăm báo cáo khoa học từ khắp nơi trong toàn quốc gửi tới Hội nghị. Hội đồng Khoa học và Hội đồng biên tập đã chọn lựa được 354 báo cáo Khoa học và đã được in trong 2 tập Kỷ yếu của Hội nghị Khoa học Địa lý toàn quốc lần thứ X với hơn 1600 trang được phân chia theo 4 nhóm nội dung sau:
1. Địa lý Tự nhiên, Tài nguyên và Môi trường
2. Địa lý Kinh tế - Xã hội, Nhân văn và Du lịch
3. Bản đồ, viễn thám, GIS và ứng dụng công nghệ
4. Giáo dục và Đào tạo Địa lý
Dưới đây là một số hình ảnh của hội nghị:
Đại biểu tham dự hội nghị
TS. Trương Phước Minh - Trưởng Khoa Địa lý tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu và giới thiệu Đoàn chủ tịch
GS.TS Nguyễn Cao Huần - Chủ tịch Hội Địa lý Việt Nam đọc diễn văn khai mạc hội nghị
PGS.TS Lưu Trang - Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng phát biểu chào mừng hội nghị
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Báo cáo về GREEN AND SMART CITIES của giáo sư Em. Dr. Luc Hens Flemish Institute For Technological Research (VITO), Belgium
Báo cáo của TS. Đào Đình Châm - Viện trưởng, Viện Địa lý về quá trình xói lở - bồi tụ bờ biển và bồi lấp cửa sông dải ven biển từ Quảng Nam đến Phú Yên
Báo cáo của nhóm nghiên cứu TS. Trần Văn Trường, PGS.TS Đặng Văn Bào, GS.TS Nguyễn Cao Huần, GS.TS Trương Quang Hải, TS. Phạm Quang Anh, Trường Đại Học KHTN- ĐHQGHN về đề tài Hành lang bảo vệ bờ biển – lý luận và thực tiễn
Báo cáo của Th.S Huỳnh Liên Phương P.Giám đốc, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư - UBND TP. Đà Nẵng về Thành quả của hoạt động xúc tiến và hỗ trợ đầu tư tại TP Đà Nẵng
Báo cáo ESRI’S OPEN VISION của Mr. Wuttiboon Faamnuaypol Tổng Giám Đốc công ty ESRI Vietnam